Khuyến công Quảng Bình hỗ trợ cho 5 cơ sở công nghiệp nông thôn từ nguồn vốn khuyến công địa phương.

Trong những tháng đầu năm 2025, từ nguồn vốn khuyến công địa phương, nhằm góp phần hỗ trợ thiết thực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trong tỉnh phát triển nguồn nhân lực, hiện đại hóa máy móc thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình (Trung tâm) đã chủ động phối hợp chặt chẽ với phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị các địa phương tư vấn hướng dẫn đề án khuyến công địa phương đợt 1 cho 5 cơ sở CNNT đăng ký hỗ trợ với tổng kinh phí 700 triệu đồng qua đó thu hút nguồn vốn đầu tư của các cơ sở CNNT được hơn 7,6 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 50 lao động.

   

Hỗ trợ ứng dụng hệ thống máy móc mới trong sản xuất nước uống cho Công ty TNHH Everest miền Trung

Nhìn chung các đề án khuyến công hỗ trợ đợt này đã kết hợp đa dạng các hình thức hỗ trợ, tập trung đúng trọng tâm, trọng điểm khai thác được thế mạnh của tỉnh trong các lĩnh vực như: Sản xuất nội thất từ gỗ công nghiệp; sản xuất gà ủ muối thảo dược; sản xuất nước uống đóng chai và sản xuất chăn, ga, gối, nệm... Cụ thể: Hỗ trợ ứng dụng hệ thống máy móc mới trong sản xuất cho 04 cơ sở Hộ kinh doanh nội thất Thành Nam (TP. Đồng Hới), Công ty TNHH Everest miền Trung (xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy); hộ kinh doanh Lê Văn Hải và Hợp tác xã Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Xuân (xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch); Hỗ trợ thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm cho 01 cơ sở Hợp tác xã Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Xuân; Hỗ trợ phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP cho 01 cơ sở Hợp tác xã Nông sản Vân Di (xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy).

Thông qua đó góp phần cải thiện sinh kế, giải quyết nhiều công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập cho nhiều lao động nông thôn trên địa bàn, xây dựng thị trường ổn định, mang lại giá trị kinh tế lớn, đóng góp vào nguồn thu ngân sách tỉnh nhà.

   

Hỗ trợ Phòng trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP cho HTX Nông sản Vân Di

Có thể nói các chính sách hỗ trợ khuyến công đã đa dạng, cụ thể hóa các giải pháp hỗ trợ các cơ sở CNNT phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư, đổi mới, cải tiến máy móc thiết bị; cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm. Qua đó, hoạt động khuyến công đã khẳng định được vai trò, tầm quan trọng trong khuyến khích phát triển CNNT; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo việc làm, tăng thu nhập, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo và phát triển đời sống văn hóa - xã hội ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Trong thời gian tới để tiếp sức cho cơ sở công nghiệp nông thôn trong sản xuất, kinh doanh, Trung tâm sẽ tranh thủ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương phối hợp với Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để tiếp tục hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất theo hướng bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Quảng Bình.

                                     

 

Phan Thị Nhàn  - TTKC và XTTM