Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Bình

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, quảng bá những tiềm năng, thế mạnh ở địa phương, vừa góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa là cách để tạo dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Hiện toàn tỉnh Quảng Bình có 168 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có 28 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao, 140 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Trong đó, rất nhiều sản phẩm OCOP đã được mở rộng thị trường tiêu thụ nhờ gắn với phát triển du lịch, tạo bản sắc cho điểm đến, gia tăng giá trị sản phẩm, đồng thời phát triển sản phẩm du lịch địa phương. Vì thế, phát triển du lịch nông thôn, cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP là cách làm hay, du lịch cộng đồng đến với vùng quê, bắt buộc sản phẩm OCOP hòa mình để cùng phát triển.

   Tuần lễ Triển lãm, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Bình tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2023.

Nhằm giới thiệu, quảng bá, kết nối các sản phẩm OCOP; nâng cao hình ảnh thương hiệu OCOP tỉnh Quảng Bình với khách du lịch trong nước, quốc tế; góp phần khơi dậy các tiềm năng, sản vật, giá trị ẩm thực văn hóa vùng miền và mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối, giao thương cho sản phẩm OCOP của địa phương. Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại luôn ưu tiên các nguồn lực, thường xuyên rà soát, tìm kiếm, khuyến khích và tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của tỉnh trong các hoạt động xúc tiến thương mại. Theo đó, đã có nhiều chương trình, đề án hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong các hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại, như: Tư vấn về quy trình chế biến, bao bì đóng gói, hỗ trợ sau đầu tư về trang thiết bị dây chuyền sản xuất, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm hàng hóa của các đơn vị ở các Hội chợ triển lãm, Hội nghị kết nối cung cầu giao thương trong và ngoài nước; hỗ trợ đầu tư các cửa hàng tiện ích văn minh hiện đại bán hàng Việt, hàng nông sản sạch… Hàng năm, đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia hàng chục lượt hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài nước để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá văn hóa bản địa đặc sắc tới khách du lịch về các sản phẩm OCOP và nâng cao hình ảnh du lịch của các địa phương.

Bà Nguyễn Thị Như Mận, Giám đốc Công ty TNHH Như Mận cho biết: Ngoài việc tiêu thụ qua các kênh chính thống, bán hàng online, sản phẩm của Hợp tác xã còn được trưng bày và giới thiệu tới khách du lịch qua nhiều hoạt động Xúc tiến thương mại, kết nối với các đơn vị ngoại tỉnh như thông qua các Hội chợ triển lãm, Hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa. Tôi tin rằng, gắn với du lịch thì sản phẩm sẽ được quảng bá rộng hơn, tiêu thụ tốt hơn. Và thực tế không ít sản phẩm khoai deo của chúng tôi là lựa chọn số một cho du khách dùng làm quà cho bạn bè, biếu người thân như là một món đặc sản của tỉnh nhà.

Bên cạnh những hoạt động kết nối giao thương, Trung tâm đã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn để nâng cao kiến thức và các kỹ năng về xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, để các đơn vị biết cách tìm hiểu và cập nhật xu hướng tiêu dùng của thị trường trong và ngoài nước, qua đó phân tích để lựa chọn chiến lược phát triển định hướng thị trường tiêu thụ hiệu quả, áp dụng vào thực tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị.

   

Gian hàng OCOP của tỉnh tại Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 33.

 

Trong thời gian tới để phát triển, gắn kết sản phẩm OCOP với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh gắn với hình ảnh du lịch địa phương để tạo điểm nhấn thu hút du khách. Bên cạnh việc tổ chức các lớp đào tạo tập huấn, kiến thức kỹ năng phát triển thị trường cho các chủ thể, nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch nông thôn và chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Trung tâm cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ, định hướng về bao bì, nhãn mác, thiết kế mẫu mã, hình thành các dòng sản phẩm OCOP làm quà biếu gắn với lịch sử, văn hóa địa phương. 

Có thể nói, sản phẩm OCOP, du lịch nông thôn còn nhiều dư địa phát triển. Đây là lợi thế, cơ hội để các chủ thể sản xuất kinh doanh khai thác. Từ đó, phát huy tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP nói riêng. Việc đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch là mô hình hiệu quả cần được nhân rộng và phát triển hơn nữa./.

Thực hiện: Minh Tâm – TTKC&XTTM