Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.
Hoạt động khuyến công ưu tiên hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn phát huy thế mạnh địa phương
Quảng Bình là tỉnh miền Trung còn nhiều khó khăn về phát triển kinh tế xã hội nhưng trong những năm gần đây nhờ sự quan tâm của nhà nước, những chính sách hỗ trợ thiết thực đã góp phần động viên khuyến khích các doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) tham gia phát triển kinh tế công nghiệp nông thôn (CNNT), đóng góp vào ngân sách địa phương.
Trong đó hoạt động khuyến công, được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến các huyện, thành phố; các văn bản quy định về khuyến công được ban hành kịp thời và ngày càng hoàn thiện; kế hoạch khuyến công hàng năm được tham mưu xây dựng bám sát vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án của tỉnh, trong đó tập trung tư vấn, hỗ trợ phát triển các ngành nghề có thế mạnh tại địa phương như chế biến nông, lâm thủy hải sản, chế biến dược liệu, cơ khí, sản xuất chế biến các sản phẩm phục vụ du lịch...
Đoàn kiểm tra thực tế tại các cơ sở công nghiệp nông thôn
Trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình (Trung tâm) đã triển khai nhiều nội dung hoạt động khuyến công ưu tiên cho địa bàn xã xây dựng nông thôn mới, lĩnh vực chế biến nông - lâm - thủy sản, sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ, nguyên vật liệu thay thế hàng nhập khẩu và sản xuất sản phẩm có thị trường tiêu thụ tốt. Qua đó, chương trình đã góp phần khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, phát triển, quảng bá sản phẩm có thế mạnh của tỉnh.
Cụ thể từ năm 2019 đến năm 2023, từ nguồn kinh phí Chương trình Khuyến công, Trung tâm đã hỗ trợ trên 100 đề án cho các hộ kinh doanh, HTX, doanh nghiệp đặc biệt là những đơn vị mới thành lập trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh vào ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất các sản phẩm như: chế biến nông, lâm, thủy hải sản; cơ khí, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, khu vực, quốc gia nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đoàn kiểm tra tại HTX dược liệu sạch Thủy Mai
Chị Nguyễn Mai Thủy chủ HTX dược liệu sạch Thủy Mai đóng trên địa bàn xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa tâm sự: Tận dụng thế mạnh của địa phương về khí hậu, thổ nhưỡng cùng diện tích rừng núi Tuyên Hóa có nhiều loài cây thuốc quý hiếm và có giá trị kinh tế cao; đồng thời xác định phát triển cây dược liệu là một trong những hướng đi quan trọng trong phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp đặc biệt những năm gần đây, tỉnh đang tập trung thu hút các đơn vị tham gia sản xuất, chế biến để đánh thức tiềm năng cây dược liệu, góp phần bảo tồn những loại dược liệu quý có giá trị kinh tế cao trên địa bàn, tạo sinh kế bền vững trong phát triển CNNT. Để phát triển mô hình chế biến dược liệu sạch với đa dạng các sản phẩm: cao cà gai leo, cao thìa canh, cao xạ đen, trà túi lọc cà gai leo, tía tô các loại… đơn vị đã chủ động đầu tư mua sắm các loại máy móc, hệ thống nấu, hệ thống tưới nước, vườn ươm… để phục vụ sản xuất. Trong những tháng đầu năm 2024 nhận được sự hỗ trợ về máy móc thiết bị và hỗ trợ thiết kế bao bì nhãn mác của Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đơn vị đã đầu tư hệ thống nồi nấu cao, cô cao dược liệu phục vụ sản xuất dược liệu sạch nhằm tăng năng suất chất lượng sản phẩm đồng thời tạo chuổi liên kết thu mua sản phẩm cho người dân trồng và chăm sóc cây dược liệu, tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn qua đó giúp ổn định phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Phát huy thế mạnh về nguồn lợi thủy sản, trong những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến thủy hải sản của tỉnh ta đã có những bước phát triển tích cực, xuất hiện nhiều cơ sở chế biến với quy mô khác nhau, nhiều chủng loại hàng hoá bắt đầu được hình thành và định danh không chỉ thị trường trong tỉnh mà đã khẳng định được thương hiệu ở ngoài tỉnh. Tuy nhiên trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, ngành công nghiệp chế biến thủy hải sản của tỉnh ta cần đầu tư nhiều hơn về công nghệ chế biến, các loại hình sản phẩm, thiết kế mẫu mã… Nắm bắt tình hình thực tế, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã triển khai tư vấn hỗ trợ đầu tư máy móc, cải tiến công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời lồng ghép hỗ trợ thiết kế bao bì nhãn mác.
Chị Phạm Thị Hoa, Giám đốc HTX Chế biến thủy sản Nhân Trạch cho biết: Năm 2023, sau khi nhận được sự hỗ trợ từ đề án đầu tư thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm từ Trung tâm, đơn vị đã tiến hành đầu tư thiết kế mẫu mã, bao bì phù hợp, đẹp mắt từ đó tăng năng suất sản phẩm bán ra, tăng thu nhập kinh tế, tạo công ăn việc làm ổn định cho chị em cũng như đảm bảo bao tiêu nguyên liệu đầu ra ổn định cho bà con sản xuất, góp phần ổn định kinh tế xã hội địa phương, qua đó từng bước được mở rộng thị trường, sản xuất ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời việc hỗ trợ thiết kế mẫu mã bao bì hộp đựng nhằm cải tiến mẫu mã bao bì hộp đựng mới đã làm cho sản phẩm có tính cạnh tranh hơn, thể hiện thế mạnh sản phẩm một cách rõ nét nhất và định vị sản phẩm trong tâm thức của người tiêu dùng; đặc biệt là khách du lịch.
Lãnh đạo tỉnh, Lãnh đạo Sở tham quan gian hàng triển lãm hàng Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
Có thể nói, việc triển khai đồng bộ, đa dạng, có hiệu quả các hoạt động khuyến công đã động viên và huy động được các nguồn lực tham gia đồng thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa CNNT, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Thông qua các hoạt động khuyến công đã phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương; tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững.
Phan Thị Nhàn - TTKC & XTTM