Hiệu quả từ những mô hình trình diễn.

Mô hình trình diễn kỹ thuật là hình mẫu tối ưu cho một giải pháp sản xuất, ứng dụng được các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, có tính đại diện cho vùng và mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường. Thông qua mô hình có thể xây dựng năng lực, chuyển giao kỹ thuật và nhân rộng mô hình cho các đơn vị khác.

Ông Lê Mậu Khánh - Giám đốc Trung tâm KC & XTTM Quảng Bình phát biểu tại Hội nghị mô hình trình diễn kỹ thuật.

Những năm qua, hoạt động hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động khuyến công được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình (Trung tâm) luôn quan tâm thực hiện. Từ nguồn vốn Khuyến công quốc gia, Trung tâm đã hỗ trợ xây dựng gần 20 mô hình trình diễn cho các cơ sở CNNT để phổ biến, giới thiệu công nghệ mới, sản phẩm mới trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời làm mô hình điển hình khuyến khích các cơ sở CNNT khác tham quan, học tập, đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất. Mang ý nghĩa sâu sắc, nguồn “vốn mồi” từ hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn đã giúp các cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư, hiện đại hóa quy trình sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; giảm tiêu thụ nguyên, nhiên, vật liệu và bảo vệ môi trường giúp phát triển bền vững. Thông qua đó, xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm; từng bước làm thay đổi nhận thức, thói quen, phương pháp sản xuất thủ công truyền thống để áp dụng công nghệ, phương pháp, cách làm mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; góp phần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông lâm sản, chủ lực của địa phương theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, phát huy lợi thế so sánh của tỉnh nhà.

Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất viên gỗ nén năng lượng.

Điển hình như mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất viên gỗ nén năng lượng tại Công ty TNHH Đức Quân năm 2022 với mức hỗ trợ 1.000 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Công ty đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền công suất 24.000 tấn sản phẩm/năm với tổng mức đầu tư trên 40 tỷ đồng, qua đó mang lại doanh thu bình quân ước đạt 60 tỷ đồng/năm; sau khi nhà máy đưa vào hoạt động sản xuất ổn định; tạo việc làm cho 35 lao động, với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/ người/ tháng. Đây là mô hình trình diễn viên nén năng lượng mới lần đầu tiên được áp dụng trên địa bàn thành phố Đồng Hới. Với quy mô đầu tư tương đối lớn, áp dụng công nghệ mới, hiện đại và sản xuất sản phẩm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, việc xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật trong sản xuất viên gỗ nén năng lượng là hết sức cần thiết và phù hợp với định hướng hỗ trợ cơ sở CNNT phát triển sản xuất và hỗ trợ phát triển thị trường, góp phần giúp cơ sở CNNT phát triển bền vững, đồng thời tạo ra một mô hình điểm tại Quảng Bình để giới thiệu, quảng bá. Thành công mà mô hình mang lại không chỉ về lợi ích kinh tế của doanh nghiệp, giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho lao động mà còn đóng góp nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chả cá surimi xuất khẩu.

Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chả cá surimi xuất khẩu tại Công ty TNHH xuất nhập khẩu Dalu Surimi năm 2019, sau khi lắp ráp hoàn thiện dây chuyền sản xuất chả cá với tổng mức đầu tư trên 22,7 tỷ đồng đã mang lại công suất 3.500 tấn - 4.000 tấn chả cá các loại/năm, cung cấp các sản phẩm chả cá surimi đạt chất lượng tốt cho thị trường trong nước và xuất khẩu và hàng năm sẽ thu về lượng ngoại tệ tương đương 203 tỷ đồng/năm; tạo việc làm ổn định cho gần 130 lao động, với mức lương tối thiểu trên 5 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế lẫn xã hội từ mô hình trình diễn chả cá surimi mang lại là khá lớn, tác động của mô hình trình diễn có sức lan tỏa tốt tới nhiều ngành kinh tế khác trong tỉnh như đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất và chế biến thức ăn chăn nuôi …, với nguồn nguyên liệu đầu vào 12 nghìn tấn cá các loại/năm, Công ty đã góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm đánh bắt, tạo động lực để cho bà con ngư dân bám biển.

Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất kính an toàn và tiết kiệm năng lượng.

Ngoài ra một số mô hình khác cũng mang lại hiệu quả cao, có tác động lan tỏa, hỗ trợ sản xuất sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của địa phương; hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phục vụ nông thôn nhất là công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản như mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất kính an toàn và tiết kiệm năng lượng tại Công ty TNHH Đức Đạt năm 2019; mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất tinh bột biến tính từ tinh bột sắn từ Công ty Cổ phần Tư vấn và đầu tư Long Giang Thịnh năm 2018; mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH XD Trường Thành Quảng Bình năm 2017; mô hình trình diễn kỹ thuật dây chuyền sản xuất gỗ ván ghép thanh tại Công ty TNHH xuất nhập khẩu công nghiệp Trường Thành năm 2015… Các mô hình trình diễn, chuyển giao công nghệ sau khi thực hiện đã đem lại những hiệu quả thiết thực như tăng doanh thu, lợi nhuận cho cơ sở CNNT, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động…

Các hoạt động hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của Trung tâm đã khẳng định được vai trò là động lực chính thúc đẩy các cơ sở sản xuất CNNT mạnh dạn ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến hiện đại vào trong sản xuất nhằm sản xuất sản phẩm mới, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từ những hiệu quả mà mô hình trình diễn mang lại thể hiện rõ Trung tâm luôn bám sát định hướng hỗ trợ có trọng tâm, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí nguồn lực, khai thác được lợi thế của địa phương và tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Trong thời gian tới, để nguồn kinh phí khuyến công thực sự phát huy tác dụng, cần tiếp tục đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học, tạo động lực mới cho phát triển CNNT ở địa phương. Trung tâm sẽ tập trung hỗ trợ vào những ngành, nghề có tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng tiết kiệm năng lượng, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, thân thiện môi trường, có khả năng tăng giá trị gia tăng cao và đóng góp lớn cho xuất khẩu, ngân sách nhà nước. Hy vọng, với những nỗ lực đó của Trung tâm sẽ góp phần đưa nền CNNT của tỉnh ta có những bước phát triển mới, vươn cao, vươn xa.

 

Phan Thị Nhàn - TTKC và XTTM