Tác động hiệu quả của chương trình khuyến công quốc gia năm 2023 đến các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều thách thức, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vốn đầu tư, lãi suất cho vay ngân hàng cao, thiếu nguồn cung nguyên vật liệu, các đơn hàng bị hạn chế, sản phẩm tiêu thụ chậm, hàng tồn kho nhiều…

Với mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp, bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình khuyến công, tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương, Sở Công Thương; Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình đã tích cực triển khai xây dựng các đề án khuyến công quốc gia phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh.

Năm 2023, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Công Thương, phối hợp chặt chẽ với phòng Kinh tế /Kinh tế - Hạ tầng các địa phương, Trung tâm đã thực hiện 03 đề án khuyến công quốc gia với tổng kinh phí 2,42 tỷ đồng qua đó thu hút nguồn vốn đầu tư của các cơ sở công nghiệp nông thôn được trên 148 tỷ đồng mang lại doanh thu trên 200 tỷ đồng, 03 đề án được triển khai gồm: hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia Hội chợ, triển lãm thông qua tổ chức Hội chợ hàng công nghiệp nông thôn khu vực Bắc Trung Bộ - Quảng Bình năm 2023; Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất viên nén gỗ tại Công ty cổ phần Dũng Nguyệt Anh Quảng Bình; Hỗ trợ ứng dụng dây chuyền công nghệ trong sản xuất dăm gỗ tại công ty TNHH Hoàng Lâm. Các đề án được thực hiện đảm bảo nguồn kinh phí khuyến công được hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích và đạt hiệu quả cao nhất.

   

Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm

Đề án “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ hàng công nghiệp nông thôn khu vực Bắc Trung Bộ - Quảng Bình năm 2023” là một đề án có ý nghĩa quan trọng đối với chương trình khuyến công quốc gia và nhiệm vụ của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình. Việc hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ trong nước đã tạo điều kiện, cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là sự kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, mở rộng thị trường giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trung tâm đã mời gọi, phối hợp tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, hỗ trợ chi phí thuê 200 gian hàng tiêu chuẩn cho 81 cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ. Tổng kinh phí thực hiện đề án là: 1,4 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia: 1,12 tỷ đồng (hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm trong nước), còn lại vốn doanh nghiệp và xã hội hóa.

Đề án đã tạo cơ hội cho các cơ sở công nghiệp nông thôn các tỉnh, thành phố cả nước gặp gỡ, trưng bày, giới thiệu, mua bán, trao đổi hàng hóa, quảng bá thương hiệu, hợp tác đầu tư, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy kích cầu tiêu dùng các mặt hàng công nghiệp nông thôn. Đồng thời là hoạt động gắn kết giữa các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, văn hóa và du lịch, là dịp để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

   

 Hội nghị mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất viên nén gỗ

Bên cạnh hiệu quả từ hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn công tác hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến cũng mang lại hiệu quả khá tích cực. Đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất viên nén gỗ của công ty Cổ phần Dũng Nguyệt Anh Quảng Bình mang lại hiệu quả lớn. Đề án bắt đầu triển khai thực hiện từ đầu năm 2023 với công suất 70.000 tấn sản phẩm/năm, doanh thu bình quân ước đạt 175 tỷ đồng/năm; sau khi nhà máy đưa vào hoạt động sản xuất ổn định; tạo việc làm cho 60 lao động, với mức thu nhập trên 8 triệu đồng/ người/ tháng. Việc khai thác và sử dụng viên nén gỗ sẽ tiêu thụ một lượng lớn gỗ rừng trồng, phù hợp với tiềm năng và lợi thế phát triễn ngành nghề gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình gián tiếp tạo được nhiều việc làm cho người lao động trong việc trồng rừng và khai thác rừng trồng góp phần cải thiện sinh kế người nông dân, mang lại giá trị kinh tế lớn, bền vững đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ phế phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp. Với quy mô đầu tư tương đối lớn, áp dụng công nghệ mới, hiện đại và sản xuất sản phẩm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, việc xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất viên nén gỗ tại đơn vị là hết sức cần thiết và phù hợp với định hướng hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển sản xuất và hỗ trợ phát triển thị trường, góp phần giúp cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển bền vững, đồng thời tạo ra một mô hình điểm tại Quảng Bình để giới thiệu, quảng bá.

Đề án hỗ trợ ứng dụng dây chuyền công nghệ trong sản xuất dăm gỗ tại công ty TNHH Hoàng Lâm đã khai thác tối đa giá trị của sản xuất chế biến gỗ, sử dụng nguyên liệu tận dụng từ quá trình sản xuất của dự án chính( cưa xe, ván lạng …)  để sản xuất gỗ dăm đồng thời là nguồn cung cấp nguyên vật liệu đầu vào cho nhiều lĩnh vực như các ngành sản xuất viên nén năng lượng… qua đó kích thích các ngành nghề khác phát triển tạo ra một nên kinh tế tuần hoàn, bền vững.  Đồng thời thúc đẩy trồng rừng, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững cho các hộ dân vùng nông thôn, miền núi, góp phần không nhỏ trong chương trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

Việc thực hiện các chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực trong việc phát triển công nghiệp nông thôn nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói chung. Mặc dù mức hỗ trợ đối với từng dự án chưa lớn, nhưng mang ý nghĩa nguồn “vốn mồi”, chương trình khuyến công quốc gia đã góp phần giúp cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc công nghiệp hóa, ứng dụng công nghệ mới... vào quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh; mạnh dạn mở rộng đầu tư phát triển sản xuất.

Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2024 để tiếp sức cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trong sản xuất, kinh doanh, Trung tâm sẽ tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng đầu tư có trọng điểm, chú trọng phát triển các ngành có lợi thế của tỉnh, ngành nghề có sản phẩm phục vụ du lịch; thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm công nghiệp nông thôn; hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; khuyến khích chuyển giao, ứng dụng máy móc thiết bị, khoa học công nghệ mới vào phát triển sản xuất theo hướng bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Quảng Bình.

                                          

  Phan Thị Nhàn  - TTKC và XTTM