Khuyến công Quảng Bình với công tác hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến thủy hải sản.

Là vùng đất có đường bờ biển dài nhất miền Trung với 116km, Quảng Bình được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nguồn thủy hải sản phong phú mang vị ngon ngọt, đậm đà đặc trưng. Trong những năm gần đây, nhằm khai thác thế mạnh của địa phương, ngành công nghiệp chế biến thủy hải sản của tỉnh ta đã có những bước phát triển tích cực, xuất hiện nhiều cơ sở chế biến với quy mô khác nhau, nhiều chủng loại hàng hoá bắt đầu được hình thành và định danh không chỉ thị trường trong tỉnh mà đã khẳng định được thương hiệu ở ngoài tỉnh như Công ty TNHH xuất nhập khẩu Dalu Surimi, Công ty TNHH dịch vụ và thương mại Thanh Quang, HTX sản xuất, mua bán và chế biến thủy hải sản Vương Đoàn, HTX mua bán và chế biến thủy sản Xuân Hồng, HTX chế biến nông thủy sản Dương Nga, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ, chế biến thủy sản Long Tám…

Tuy nhiên trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, ngành công nghiệp chế biến thủy hải sản của tỉnh ta cần đầu tư nhiều hơn về công nghệ chế biến, loại hình sản phẩm, thiết kế mẫu mã… để nâng cao tỷ trọng công nghiệp chế biến trong sản xuất công nghiệp nói chung, trong tổng sản lượng sản xuất hàng hóa thủy hải sản nói riêng.

Nắm bắt được tình hình thực tế của địa phương, bám sát chủ trương của Nhà nước, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Trung tâm) đã triển khai xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến thủy hải sản cho các cơ sở sản xuất và chế biến thủy hải sản trên toàn tỉnh. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay Trung tâm đã hỗ trợ xây dựng 01 mô hình trình diễn kỹ thuật về chế biến sản xuất chả cá Surimi xuất khẩu; 10 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị và thiết kế bao bì, nhãn mác cho các cơ sở, Hợp tác xã chế biến thủy hải sản; tổ chức lớp tập huấn về công nghệ xử lý phế phẩm trong sản xuất, chế biến nông lâm, thủy hải sản.

   

Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chả cá surimi

Theo đánh giá chung phần lớn các công nghệ được hỗ trợ giúp phát triển công nghiệp chế biến thủy hải sản của Trung tâm đều phù hợp với điều kiện và trình độ của các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Đồng thời hướng tới việc tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương như mực, tôm, cá bờm trắng, cá cơm tươi… giúp phát triển sản xuất, giúp người tiêu dùng được tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm thủy hải sản trên địa bàn. Mặt khác, các công nghệ đã nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất do khai thác và sử dụng triệt để giá trị nguyên liệu, tạo ra các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng, giá trị thương mại cao, giảm tổn thất chất lượng trong các kỹ thuật chế biến đặc thù khử mùi tanh, thủy phân protein… nâng cao hiệu suất thu hồi trong chế biến, rút ngắn thời gian, tiết kiệm được chi phí sản xuất… Do đó sản phẩm tạo ra có giá trị năng suất cao, thời gian thu hồi vốn nhanh, giảm tác động ô nhiễm cho môi trường.

Công ty TNHH xuất nhập khẩu Dalu Surimi đơn vị được hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chả cá surimi xuất khẩu từ nguồn vốn khuyến công quốc gia, ngay sau khi được lắp ráp hoàn thiện, dây chuyền sản xuất chả cá với tổng mức đầu tư trên 22,7 tỷ đồng đã mang lại công suất 3.500 tấn - 4.000 tấn chả cá các loại/năm, cung cấp các sản phẩm chả cá surimi đạt chất lượng tốt cho thị trường trong nước và xuất khẩu và hàng năm thu về lượng ngoại tệ tương đương 203 tỷ đồng/năm. Đây được xem là điểm sáng của mô hình ứng dụng công nghệ mới trong chế biến chả cá của tỉnh Quảng Bình có tác động thúc đẩy các đơn vị sản xuất chế biến thủy hải sản mạnh dạn đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

   

Sản phẩm của HTX mua bán, chế biến thủy hải sản Vương Đoàn

Chị Nguyễn Thị Đoàn  - Giám đốc HTX mua bán, chế biến thủy hải sản Vương Đoàn cho biết: Trước kia khi chưa có hệ thống sấy khô sản phẩm thì sau khi thủy hải sản được công ty thu mua về các công đoạn chế biến đều thực hiện thủ công, nhất là công đoạn sấy khô sản phẩm thực hiện bằng phương pháp phơi nắng với những ngày thời tiết có nắng và sấy bằng hơi nóng được lấy từ lò đốt than quạt. Tuy nhiên cả hai phương pháp này đều có nhược điểm lớn nhất là làm tổn hại các vitamin có trong thủy hải sản và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công, công ty đã quyết định đầu tư dây chuyền sấy khô sản phẩm nhằm nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

 

Nghề làm nước mắm đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, phát triển bền vững trong đời sống của các thế hệ ngư dân làng biển. Tận dụng được ưu thế về nguyên liệu chế biến tươi, ngon được đánh bắt từ các ngư trường ngoài khơi vùng biển Quảng Bình, kết hợp với ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào quy trình sản xuất nước mắm nhờ sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công đã khắc phục được những hạn chế của công nghệ truyền thống, chủ động kiểm soát và nâng cao chất lượng nước mắm từ đó đã rút ngắn thời gian sản xuất từ 15 - 18 tháng xuống còn 10 -12 tháng đồng thời nâng cao chất lượng từ mùi, màu, vị và độ an toàn qua đó giảm thời gian quay vòng vốn, giảm chi phí sản xuất và khấu hao sản phẩm. 

   

Sản phẩm của HTX mua bán và chế biến thủy sản Xuân Hồng

Bên cạnh đó, công tác khuyến công cũng tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thông tin doanh nghiệp chế biến thủy hải sản qua nhiều hình thức như: hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Hội chợ triển lãm sản phẩm trong và ngoài nước; hỗ trợ tham gia bình chọn sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp, bản tin khuyến công, ấn phẩm sản phẩm công nghiệp nông thôn, Tạp chí Công Thương, trang thông tin điện tử của Sở Công Thương, Sàn giao dịch Thương mại điện tử tỉnh Quảng Bình…

Từ thực tế ghi nhận cho thấy các đề án sau khi triển khai hầu hết phát huy tác dụng, góp phần tích cực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn hoạt động có hiệu quả trên các mặt: cho doanh nghiệp, cho người lao động và cho xã hội; sản lượng và doanh thu của các cơ sở công nghiệp nông thôn các năm sau khi được hỗ trợ đều tăng và tác động tích cực đến phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các địa phương.

Với sự hỗ trợ từ nhiều nội dung khác nhau của nguồn kinh phí thuộc Chương trình khuyến công đã và đang có tác động lớn trong việc thúc đẩy công nghiệp sản xuất chế biến thủy hải sản của tỉnh ta. Thông qua đó đã đa dạng các sản phẩm chế biến từ thủy sản, góp phần nâng cao giá trị sử dụng và kinh tế của nguồn lợi thủy hải sản, đồng thời phát triển bền vững khai thác và chế biến nguồn lợi thủy hải sản theo hướng công nghiệp qua đó góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biển đảo./.

Thực hiện: Phan Thị Nhàn - TTKC và XTTM