Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.
Hội nghị giao ban công tác Xúc tiến thương mại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên năm 2023
Chiều ngày 11/5/2023 tại thành phố Đà Nẵng, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban công tác Xúc tiến thương mại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên năm 2023 với sự tham dự của Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch 16 tỉnh, thành phố Miền Trung - Tây Nguyên. Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương đến dự và chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị giao ban công tác Xúc tiến thương mại năm 2023
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới, khu vực có nhiều phức tạp, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, khu vực Miền Trung - Tây Nguyên; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp. Các yếu tố từ thị trường quốc tế cũng như nội tại trong nước đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước mặc dù cán cân thương mại hàng hóa ước tính thặng dư 6,35 tỷ USD.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng nhấn mạnh trước bối cảnh này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao, giao nhiệm vụ, mục tiêu cho ngành Công Thương. Bộ Công Thương đã khẩn trương cụ thể hóa bằng chương trình hành động về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu... Trong đó, công tác xúc tiến thương mại được xác định là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả, góp phần cải thiện 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, phát triển thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó, một số định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm cho công tác xúc tiến thương mại trên cả nước cần ưu tiên trong năm 2023.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải mong muốn các Sở Công Thương và Trung tâm xúc tiến thương mại, các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng sẽ tích cực trao đổi, thảo luận, đưa ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đổi mới, sáng tạo để hoạt động xúc tiến thương mại khu vực miền Trung - Tây Nguyên đạt được kết quả thiết thực, góp phần phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có để tận dụng thời cơ và cơ hội phát triển của mỗi địa phương, của khu vực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Báo cáo về kết quả công tác Xúc tiến thương mại năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 cùng một số định hướng của Bộ Công Thương về công tác xúc tiến thương mại trong thời gian tới, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 ghi nhận nhiều khó khăn, thách thức cả trong nước và thế giới. Trong bối cảnh hết sức khó khăn đó, hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại trên cả nước đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại chủ động sáng tạo trong triển khai, thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kết nối cung cầu hàng hóa, duy trì và tăng cường các hoạt động hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nước và xuất khẩu.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú phát biểu
Trong năm 2022, hệ thống cơ quan Xúc tiến thương mại đã triển khai hơn 755 đề án xúc tiến thương mại, đạt 82% kế hoạch. Tổng kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến thương mại năm 2022 của các Trung tâm Xúc tiến thương mại địa phương hơn 250 tỷ đồng; kinh phí thực hiện trong năm ước tính 199 tỷ đồng. Các hoạt động xúc tiến thương mại do các địa phương trên cả nước đã hỗ trợ trên 15.000 lượt doanh nghiệp tham gia trực tiếp quảng bá sản phẩm và phát triển thị trường; Giá trị hợp đồng và giao dịch tại sự kiện đạt gần 300 tỷ đồng và 20 triệu USD đơn hàng xuất khẩu Trong đó, các Trung tâm Xúc tiến thương mại các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã tích cực triển khai hoạt động Xúc tiến thương mạihỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường. Các Trung tâm Xúc tiến thương mại đã thực hiện 265 hoạt động xúc tiến thương mại chiếm 25% hoạt động xúc tiến thương mại của cả nước, hỗ trợ gần 3.000 lượt doanh nghiệp địa phương tham gia.
Trong các tháng đầu năm 2023, các địa phương trên cả nước nói chung, khu vực Miền Trung - Tây Nguyên nói riêng đã hướng dẫn và tổ chức cho các các doanh nghiệp địa phương tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại lớn trong nước và ở nước ngoài. Các hoạt động từ đầu nay đến nay thể hiện sự sôi động trở lại của hoạt động xúc tiến thương mại và góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn về thị trường trong các tháng qua.
Về định hướng công tác xúc tiến thương mại trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đề nghị các đơn vị xúc tiến thương mại cần tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, khẩn trương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại đã được phê duyệt; Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc, gắn với xây dựng thương hiệu để xuất khẩu bền vững; Tiếp tục chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại; Thúc đẩy chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, khuyến khích các hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy nhập khẩu thiết bị máy móc hiện đại, công nghệ nguồn, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho chế biến sâu, có hàm lượng giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Tại Hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành phố khu vực Miền Trung - Tây Nguyên trao đổi, thảo luận các giải pháp nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại; đề xuất các sáng kiến, cơ chế phối hợp trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cấp vùng, quốc gia.
Ông Lê Mậu Khánh - Giám đốc TTKC&XTTM Quảng Bìnhphát biểu tham luận tại Hội nghị
Đại diện tỉnh Quảng Bình, ông Lê Mậu Khánh - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại khái quát hiệu quả công tác triển khai Đề án Đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài do đơn vị mình thực hiện; thông qua hoạt động, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Bắc Trung Bộ kết nối, ký kết nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh với nhà phân phối hai nước Lào, Thái, góp phần hỗ trợ tích cực hơn cho các doanh nghiệp khu vực Bắc Trung Bộ tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội trao đổi, mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ; mở rộng quan hệ hợp tác, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị trí thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu và đứng vững trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế với nhiều biến động như hiện nay.
Cũng tại Hội nghị, ông Lê Mậu Khánh đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành định mức dịch vụ công về lĩnh vực xúc tiến thương mại, định mức hỗ trợ đối với các nội dung thuộc lĩnh vực thương mại điện tử tại Thông tư 11/2019/TT-BCT ngày 30/7/2019 về hướng dẫn thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại; đề nghị Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tiếp tục tạo điều kiện cho các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên nói chung và Quảng Bình nói riêng được tham gia các chương trình, đề án xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh doanh.
Thực hiện: Hồng Nhung - TTKC&XTTM